
Bệnh Mạch Vành
Bệnh mạch vành nguy hiểm cao.
Bệnh mạch vành còn gọi là bệnh tim do vành (CHD), suy vành, thiểu năng vành, bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ... là hậu quả của tình trạng xơ vữa động mạch do sự lắng đọng của các chất béo, cholesterol, calcium, chất thải tế bào... tạo nên những mảng cứng trong lòng động mạch làm cho lòng động mạch bị hẹp lại (hoặc tắc nghẽn) dẫn đến giảm lưu lượng máu đến nuôi tim, gây ra những cơn đau thắt ngực, nặng hơn là bị nhồi máu cơ tim cấp. 95% số người bị mắc bệnh mạch vành có liên quan đến một trong những yếu tố như:
- Tăng huyết áp,
- Rối loạn lipid,
- Đái tháo đường,
- Béo phì,
- Hút thuốc lá,
- Tiền sử gia đình có người bị bệnh mạch vành,
- Tuổi cao…
Triệu chứng của bệnh mạch vành phần lớn biểu hiện bằng những cơn đau thắt ngực dữ dội với cảm giác đau nhói, thắt chặt, bỏng rát, kim châm, đè nặng ngực. Vị trí đau ở ngay sau xương ức, chính giữa tim, ngực trái lan ra vai trái, cánh tay trái, bàn tay trái... kèm theo là hiện tượng khó thở, vã mồ hôi, hồi hộp, chóng mặt... trường hợp nặng hơn dẫn đến nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong.
Có khi nào bị bệnh động mạch vành mà không đau ngực không?
Thực tế có một số trường hợp bị bệnh động mạch vành nhất là nhồi máu cơ tim mà không có cảm giác đau ngực rõ rệt (còn gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng). Hiện tượng này hay gặp ở bệnh nhân sau mổ, người già, bệnh nhân bị đái tháo đường, tăng huyết áp,... Do vậy, cần cảnh giác khi bạn là người có nhiều yếu tố nguy cơ mà có những triệu chứng mơ hồ về đau ngực và thấy khó thở hoặc khó chịu ở vùng ngực thì nên đi đến bác sỹ khám ngay.
Như vậy, bạn càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc đánh giá và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bản thân. Tùy vào mức độ các yếu tố nguy cơ của bạn mà bạn cần được khám theo dõi thường xuyên định kỳ, phát hiện sớm các biến chứng nhất là khi biểu hiện rất mơ hồ, không rõ ràng, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.